Ngày 12/8, tại thành phố Rạch Giá, Ban quản lý Vườn Quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang đã vinh dự đón nhận Chứng chỉ công nhận Vườn di sản ASEAN.
Vườn Quốc gia U Minh Thượng thành lập theo Quyết định số 11/QĐ-TTg ngày 14/1/2002 của Thủ tướng Chính phủ. Vườn Quốc gia U Minh Thượng được bao bọc bởi hệ thống đê bao khép kín có chiều dài 60km.
Trong hệ sinh thái rừng úng phèn của đồng bằng sông Cửu Long, chỉ còn duy nhất hệ thực vật rừng của vùng lõi thuộc Vườn Quốc gia U Minh Thượng có những đặc điểm của rừng cực đỉnh nguyên sinh. Đó là các ưu hợp rừng tràm hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn, với diện tích gần 3.000 ha. Đây cũng là căn cứ của cách mạng trong thời kỳ kháng chiến.
VQG U Minh Thượng trở thành Vườn di sản ASEAN
Với đặc điểm này, Vườn quốc gia U Minh Thượng không chỉ là khu vực có các hệ sinh thái đặc trưng của vùng đất than bùn mà nơi đây còn được xem như khu di tích lịch sử của tỉnh Kiên Giang.
Mặc dù đang đối mặt với những khó khăn về nhu cầu đất sản xuất nông nghiệp, nhưng tỉnh Kiên Giang vẫn nỗ lực thực hiện tốt công tác bảo tồn và phục hồi tài nguyên thiên nhiên trên đất than bùn.
Những cố gắng này đã được ASEAN công nhận là Vườn di sản Đông Nam Á đối với Vườn Quốc gia U Minh Thượng.
Thành công bước đầu trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị “xanh” với 5 trên tổng số 9 tiêu chí của Công ước Ramsar đã tạo ra cơ sở để cơ quan chức năng lập hồ sơ đăng ký Vườn Quốc gia U Minh Thượng được công nhận là khu Ramsar.
Hiện nay, cả nước đã có 5 khu Ramsar là Sơn Thủy, Bàu Sấu thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên; Vườn Quốc gia Ba Bể; Vườn Quốc gia Tràm Chim và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang cần sớm xây dựng hồ sơ đề cử khu Ramsar cho Vườn Quốc gia U Minh Thượng, mở ra cơ hội để Kiên Giang đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đất ngập nước phục vụ phát triển du lịch sinh thái, đồng thời bảo tồn nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm.
Nguồn: khoahoc.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét