Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Triển lãm quốc tế về công nghệ thông tin 2013: Thất vọng

Triển lãm quốc tế về công nghệ thông tin 2013: gây thất vọng lớn. Cùng tin công nghệ cập nhật tin công nghệ - TT - Tính từ lần đầu tiên được tổ chức tại VN vào năm 1996, đến nay triển lãm quốc tế về công nghệ thông tin (CNTT - VCW) đã trở thành sự kiện trông đợi của giới CNTT Việt Nam vào mỗi tháng 7. Nhưng năm nay sự kiện lớn này đã làm họ thất vọng.



Bạn trẻ trải nghiệm các thiết bị di động - Ảnh: Đức Thiện
Thông tin về triển lãm được ban tổ chức phát đi rất hoành tráng như hơn 200 gian hàng của hơn 100 công ty trong và ngoài nước trưng bày sản phẩm, trình diễn công nghệ mới nhất từ sản phẩm máy tính, thiết bị di động đến các sản phẩm điện tử tiêu dùng... Thế nhưng khi đến đây, khách tham quan đã không khỏi thất vọng...

Nghèo nàn sản phẩm


Ấn tượng đầu tiên với người đến xem triển lãm là... không gian ngày càng chật hẹp hơn tại Trung tâm tiệc cưới Riverside Palace, TP.HCM. Theo lý giải của ban tổ chức: “diện tích triển lãm nhỏ hơn năm trước 30% vì hoạt động kinh doanh và sức mua của người tiêu dùng đã trở nên khó khăn hơn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và tình hình tài chính trong nước”.

Điều này có thể thông cảm với ban tổ chức, thế nhưng khi thấy số gian hàng thực tế chỉ 50-60 chứ không như thông cáo trước đó, nhiều người đến xem đã bắt đầu thất vọng. Điểm qua tất cả các gian hàng tại đây, số lượng gian hàng được trưng bày xứng đáng với một triển lãm công nghệ chỉ đếm trên đầu ngón tay như: Qualcomm, Lenovo, Pi Việt Nam. Còn lại hầu hết là các gian hàng bán các sản phẩm linh phụ kiện như: các loại chuột máy tính, bao da bảo vệ, ốp lưng điện thoại di động, tạp chí công nghệ, thẻ nhớ, tai nghe... Đặc biệt nhiều gian hàng bán lẻ chỉ có diện tích khoảng 1m2.

Người ta không còn thấy gian hàng hoành tráng của Sony như năm ngoái. Canon, Asus, Samsung, LG, Nokia, HTC cũng không còn xuất hiện. NTT Docomo - thương hiệu luôn đem đến những sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới, hấp dẫn người tiêu dùng tại những triển lãm VCW trước kia - cũng đã biến mất. Các nhà mạng viễn thông di động trong nước như: MobiFone, Vinaphone, Viettel... đều đã “chia tay” triển lãm từ lâu. Do đó, người đến triển lãm dường như không tìm thấy một sản phẩm “khủng” nào nữa mà thay vào đó là rất nhiều điện thoại, máy tính bảng, linh phụ kiện từ các thương hiệu không tên tuổi của Trung Quốc, cả hàng nhái các sản phẩm nổi tiếng của Apple, Samsung cũng được công khai bày bán tại đây.

Gian hàng của Qualcomm có lẽ là điểm nhấn duy nhất của VCW 2013 với các khu vực trình diễn khả năng công nghệ của bộ vi xử lý Snapdragon: dùng smartphone điều khiển máy bay từ xa, dùng smartphone kết nối với hệ thống giải trí tại gia, trải nghiệm các thiết bị di động.

Không đáp ứng mong đợi


Ông Chu Tiến Dũng, chủ tịch Hội Tin học TP.HCM (HCA), cho biết những năm trước triển lãm VCW và hội nghị toàn cảnh CNTT là một sự kiện do Tập đoàn IDG và HCA phối hợp cùng VCCI tổ chức. Năm nay, hội nghị và triển lãm được tách riêng, HCA sẽ tổ chức hội nghị toàn cảnh CNTT vào ngày 19 và 20-9 vì nhiều lý do, trong đó có ảnh hưởng bối cảnh thị trường và những khó khăn kinh tế. Việc ra riêng này cũng khiến quy mô triển lãm trở nên nhỏ đi.

Theo ông Võ Đỗ Thắng - Trung tâm an ninh mạng Athena, VCW năm nay không như mọi năm, thiếu các tọa đàm định hướng công nghệ như các năm trước. Triển lãm công nghệ ngay cạnh tiệc cưới và cho phép quảng cáo cả đồ lót nữ, bất động sản trong triển lãm, việc chọn địa điểm triển lãm là một nhà hàng tổ chức tiệc cưới cũng khiến giới công nghệ không muốn đi xem vì cảm giác như đây không còn là một sự kiện CNTT quan trọng và lớn nhất hằng năm.

Cảm giác khi đến triển lãm ngày khai mạc, với ông Trần Mạnh Hiệp, quản trị diễn đàn Tinh Tế, là sự chán ngán bởi theo ông, so với những năm trước thì VCW không còn các hãng lớn với các gian hàng lớn. Nổi bật năm nay chỉ có Qualcomm và Lenovo nhưng gian hàng của hai hãng này cũng không lớn. Phần còn lại toàn các gian hàng của những thương hiệu không có tiếng, các công ty đến từ Trung Quốc..., sản phẩm trưng bày không đáp ứng được nguyện vọng của người xem và không phù hợp với thực tế. “Người ta không muốn xem những chiếc thùng máy Trung Quốc nữa. Và thế giới đã chuyển từ PC sang di động với điện thoại, tablet, mạng xã hội, các dịch vụ trên mây, phần mềm... trong khi nội dung ở triển lãm không còn phù hợp, không đáp ứng hết mong muốn của người tham quan” - ông Hiệp chia sẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét