Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Dùng ứng dụng OTT: Giải quyết hài hòa 3 lợi ích

Tin Công Nghệ - Sự phát triểng các ứng dụng OTT đã làm cho các nhà mạng thất thu là điều thấy rõ, nhưng cần chọn cách giải quyết hợp lý, tránh cực đoan đòi chặn hoặc tăng giá các gói 3G bởi OTT là xu thế công nghệ không thể cưỡng được trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay.


Nhà mạng thất thu lớn


Sự nở rộ của các phần mềm gọi điện, nhắn tin miễn phí (OTT) ở Việt Nam như Line, KakaoTalk, Viber hay Zalo khiến các nhà mạng lớn ở Việt Nam như MobiFone, VinaPhone hay Viettel thiệt hại nặng nề.

MobiFone thất thu mỗi năm xấp xỉ 1.000 tỉ đồng, VNPT thiệt hại từ 9 - 10% doanh thu, hay Viettel mất hàng ngàn tỉ đồng/năm… do thiệt hại từ OTT là những con số có thật chứ không phải do các nhà mạng “chém gió”. Bởi trên thực tế doanh thu của nhà mạng tại Việt Nam đến từ dịch vụ thoại và nhắn tin là chính, đại diện một nhà mạng cho biết, nó chiếm khoảng 80% - một con số vô cùng lớn.

Thiệt hại này không chỉ riêng Việt Nam mới có mà theo Hãng nghiên cứu thị trường Ovum, những ứng dụng OTT trong năm 2012 đã khiến các nhà mạng trên thế giới thất thu đến 23 tỉ USD và dự đoán trong năm 2016 ước tính con số này lên tới 54 tỉ USD.

OTT không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam, ngay cả Mỹ, Ấn Độ hay các nước Ả Rập… cũng bị các phần mềm OTT như WhatsApp, Viber…làm cho điên đảo. Nhiều nước còn đề nghị Chính phủ chặn triệt để các dịch vụ nhắn tin và gọi điện miễn phí này. Chính vì thế, trong bối cảnh hiện nay tại Việt Nam, việc các nhà mạng đang loay hoay tìm một phương án "đối phó" với các dịch vụ OTT là một điều dễ đoán. Điều này hoàn toàn không đơn giản và không phải ngày một, ngày hai sẽ làm được.

Phải vì người dùng


Khi chưa có phương án cụ thể với OTT, trước sức ép lớn đối với doanh thu, một số nhà mạng trong nước đã chọn cách tăng cước thuê bao 3G ở gói đăng ký thuê bao tháng của người dùng, cụ thể tăng thêm 10.000 đồng (từ 40.000 đồng tăng lên 50.000 đồng). Với việc tăng giá này, các nhà mạng thu về khoảng 100 tỷ đồng mỗi tháng, tương đương với 1.200 tỉ đồng/năm, nghĩa là đã bù lại được một con số đáng kể thiệt hại về doanh thu do OTT gây nên.

Có điều, động thái tăng giá của nhà mạng chỉ nhằm bù lỗ là chính, mục đích chính là giảm bớt thiệt hại mà OTT gây nên chứ không phải tăng giá để cải thiện chất lượng mạng 3G. Chất lượng 3G vẫn rất kém, ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam cũng nhận xét rằng 3G ở Việt Nam chỉ tự hào về độ phủ chứ chất lượng còn phải cải thiện nhiều, trong  đó việc tối ưu hóa mạng 3G là yếu tố quan trọng.

Theo xu hướng công nghệ luôn đổi mới và phát triển, trào lưu OTT là điều không thể tránh khỏi và nhà mạng phải có phương án giải quyết hợp lý lợi ích của 3 bên: Nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ OTT và người dùng. Nhiều nước vẫn đang sử dụng 2 phương án, một là nhà mạng “bắt tay” với các công ty cung cấp dịch vụ OTT, hai là cách tạo ra sản phẩm mới để cạnh tranh với họ. Dù gì đi nữa, người dùng vẫn là khách hàng của các mạng di động và là đối tượng chính bị tác động bởi các chính sách về quản lý OTT, do vậy chỉ có hướng về người dùng thì các nhà mạng mới tăng trưởng bền vững trong cuộc cạnh tranh giữa thoại và SMS tryền thống với các phương thức mới như OTT.

Hài hoà giữa nhu cầu người dùng và nhà mạng cung cấp là cách giải quyết tối ưu nhất cho OTT hiện nay, đảm bảo lợi ích sử dụng giữa các bên liên quan.


TIN LIÊN QUAN: 


OTT kích cầu, nhà mạng đau đầu


Tin Công Nghệ - Cùng với sự phát triển của các thiết bị cầm tay kết nối Internet, dịch vụ OTT ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các dịch vụ liên lạc OTT khai thác hiệu quả băng thông rộng nhưng lại khiến các nhà cung cấp dịch vụ mạng thất thu lớn. Chung sống cùng OTT trở thành xu hướng cũng là bài toán khó cho các công ty viễn thông.
ott-kich-cau-nha-mang-dau-dau

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét